ĐÔI TAY NGUYỆN CẦU

Chuyện xảy ra tại Nurnberg, thế kỷ 15.

Albrecht và Albert là hai con trai thứ trong gia đình Durer, gia đình của người đàn ông phải quần quật mười sáu tiếng mỗi ngày với công việc của một người thợ kim hoàn để kiếm tiền nuôi mười tám đứa con đang tuổi ăn và lớn.

Tuy sống trong chật vật nhưng không một ai trong hai anh em từ bỏ ước mơ được theo đuổi con đường nghệ thuật bởi cả hai đều bộc lộ năng khiếu hội họa từ rất sớm. Nhưng vào thời bấy giờ, bước chân được vào ngôi trường nghệ thuật, với hai anh em xuất thân từ một gia đình lao động, là một khó khăn lớn bởi mỹ thuật vẫn luôn là một ngành học mất nhiều công sức và tiền của nhất.

Vào một đêm mùa đông,
trên chiếc giường chật hẹp tồi tàn, hai anh em chơi trò may rủi để xem ai trong hai người sẽ được đến học tại học viện nghệ thuật Nurnberg: gieo đồng xu. Và người may mắn hơn là Albrecht, người anh.

- Ổn rồi anh à, em sẽ vào hầm mỏ làm việc kiếm tiền trang trải việc học cho anh. Sau bốn năm, có lẽ anh đã là một họa sĩ, khi ấy em vào trường cũng chưa muộn mà.
- Cảm ơn em trai của anh.

Và bốn năm Albert miệt mài làm và Albrecht miệt mài học cũng qua. Chỉ vừa tốt nghiệp nhưng người anh Albercht đã tạo được tiếng vang khắp thành phố bằng những tác phẩm gỗ chạm, khắc kẽm và sơn dầu của mình. Để ghi dấu sự kiện này, gia đình Durer tổ chức một buổi tiệc mừng lớn với tất cả láng giềng và họ hàng.

Trong bữa tiệc, Albrecht đến bên Albert, vỗ vai em trai mình: "Em yêu quý, việc học của anh đã xong, đúng như thỏa thuận, giờ là lúc đến lượt em. Hãy chuẩn bị lên đường nhập học đi em trai, hãy biến nguyện ước của em thành hiện thực. Anh giờ có thể dễ dàng lo cho em rồi!"
Anh mình chưa dứt câu, mắt Albert đã giàn giụa tự bao giờ, anh đứng dậy quay nhìn Albrecht rồi ôm mặt nức nở:
- Không... Không... Không anh ơi...
Albrecht ôm em vào lòng:
- Vì sao thế em?
- Em không thể. Đôi tay em giờ không còn lành lặn nữa, làm sao em có thể cầm được cọ khi gần như ngón nào trên bàn tay em cũng đều ít nhất một lần bị bầm dập. Bốn năm trong hầm mỏ đã cướp mất của đôi tay em sự linh hoạt. Em còn chứng thấp khớp nữa, nâng ly lên chúc mừng anh, em còn không làm được nữa mà...

Người anh điếng lặng. Vậy mà anh không lường đến, anh đã vay người em trai một món nợ không thể trả. Trong lúc này, Albrecht ước rằng người thắng trong cuộc gieo đồng xu không phải là mình.

Đêm ấy, không tài nào ngủ được, Albrecht sang phòng em trai, thấy em đang chắp tay cầu nguyện trước bàn thờ đấng Kito, lòng hỗn độn những cảm xúc thương xót, kính trọng, bất lực... Anh về phòng mang giấy bút ra ghi lại khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc hai bàn tay xương xẩu gầy guộc chắp vào nhau. Và đôi tay héo úa nhưng sáng ngời ấy đã được tái hiện thật nhanh trên giấy.


Trong đêm ấy, một trong những kiệt tác giản đơn nhưng nhiều sức mạnh nhất của nhân loại đã được ra đời. Bức tranh được Albrecht đặt một cái tên giản dị không kém: Hands.

Cho đến hôm nay, những tác phẩm của danh họa Albrecht Durer đang ngự khắp các bảo tàng, học viện, nguyện đường danh giá nhất thế giới. Những kiệt tác của ông đã trở thành bài giảng cho những sinh viên mỹ thuật khắp nơi. Những Nỗi khổ hình của Giesu lớn và Khải Huyền (khắc kẽm), Tôn vinh các vua (sơn dầu), Thung lũng ở Kalchreuth (màu nước)... đã trở thành những kinh điển của hội họa nhưng tên tuổi ông chỉ được những người bình thường biết đến qua hình ảnh đôi tay mà ngày nay, được mọi người kính trọng đặt tên "Đôi tay cầu nguyện" (Praying Hands). Nó đã được những nhà thờ lớn dùng làm biểu trưng cho đức hy sinh, tình yêu thương, được ví như hình ảnh cuộc khổ nạn của đức Giesu Kito.

Với tôi, Praying Hands còn là hình ảnh của những món nợ suốt đời đeo mang, không thể trả. Nó được vẽ nên không phải từ bàn tay của chỉ một họa sĩ...

Hoàn toàn không đủ tài năng và đức độ để cho ra đời một hình ảnh bất diệt như đôi tay cầu nguyện của Albrecht Durer nhưng tôi cũng có một tác phẩm "Đôi tay". Nó không được vẽ bằng bút sắt trên giấy, không được khắc trên kẽm, gò trên đồng mà nó được tôi khắc trong tim. Đôi bàn tay trong tác phẩm của tôi cũng nhăn nheo gầy guộc nhưng đó là đôi tay ẵm bồng, dẫn dắt và tiễn tôi vào đời. Đôi tay đã thay một đôi tay mềm mại khác cho tôi bú mớm, đút từng muỗng cơm, chải từng sợi tóc, cầm tay tôi rèn từng chữ a, chữ b. Đôi bàn tay gồng lên cầm cuốc, cầm xẻng, đôi bàn tay hằn lên vô số đường gân khi cong người trên mui chiếc xe đò kéo những kiện hàng...

Cũng từ đôi tay này, tôi được thấy sự trao đi, không một chút đắn đo hơn thiệt. Tôi cũng được đôi tay ấy cầm chiếc roi mây quất thẳng đúng năm cái vào mông giúp nhận ra lẽ đúng, sự sai. Và không một bàn tay nào khác trong lúc này, lại cũng chính là bàn tay ấy, tụt quần tôi xuống, xoa dầu gió. Tôi ao ước đừng có chai dầu gió để những lằn roi còn mãi hằn, đến hôm nay.


Bây giờ, nhiều lúc thấy một chiếc đồng hồ, một chiếc nhẫn đẹp, hân hoan mang về đeo vào bàn tay ấy.
- Thôi, kỳ lắm con, xương xẩu đen đúa như vầy, đeo hổng được đâu.
- Dạ đúng rồi, không cần lấp lánh, đôi tay này vẫn đẹp, vẫn tỏa sáng ấm áp mà. Ba ơi, đây cũng là một kiệt tác nè, một kiệt tác con khắc vào tim với phông nền là những tháng năm vò võ một mình yêu thương, màu sắc là đức hy sinh, hình khối là vất vả nhọc nhằn.

Ba vẽ cái chén không tròn nhưng trong tác phẩm của con, ba là hình mẫu, là người thầy dìu dắt, là nguồn cảm hứng dạt dào yêu thương.
Một bàn tay thăng hoa cần phải có nhiều hơn một bàn tay nâng đỡ. Nhìn bàn tay mình, con thấy tay ba.

Con luôn chắp tay khi....mỗi đêm mỗi thắp đèn trời...


(Sưu tầm từ internet)

Nhận xét